#105 | Bồi thường thiệt hại do tài sản cho mượn bị hư hỏng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty S (Bên cho mượn) cho Công ty D (Bị đơn - Bên mượn) mượn khuôn nhưng do hỏa hoạn khuôn cho mượn bị hư hỏng. Sau đó, Công ty S đã chuyển quyền của mình cho Công ty bảo hiểm V (Nguyên đơn - trở thành Bên cho mượn). Trên cơ sở yêu cầu của Nguyên đơn, Hội đồng Trọng tài đã buộc Bị đơn bồi thường.

Bài học kinh nghiệm:

Trong hoạt động kinh doanh, hợp đồng mượn tài sản thường xuyên tồn tại. Đó là “sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được” (Điều 512 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 494 Bộ luật dân sự năm 2015). Hợp đồng nêu trên là hợp đồng mượn tài sản.

Theo khoản 4 Điều 514 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 4 Điều 496 Bộ luật dân sự năm 2015, bên mượn tài sản có nghĩa vụ “Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn”. Tương ứng với nghĩa vụ của bên mượn, khoản 3 Điều 517 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 3 Điều 499 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên cho mượn tài sản các quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra”. Trong vụ việc trên, tài sản cho mượn đã bị hư hỏng và câu hỏi đặt ra là bên mượn có nghĩa vụ bồi cho bên cho mượn không?

Bị đơn cho rằng nguyên nhân của vụ hỏa hoạn không phải do lỗi bất cẩn hay lỗi của con người. Đây là hỏa hoạn, bất khả kháng nên miễn trừ trách nhiệm cho các bên. Nếu việc khuôn bị hư hỏng do bất khả kháng thì bên mượn được miễn trách nhiệm bồi thường trên cơ sở khoản 2 Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ (dân sự) do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự” và khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra sự kiện bất khả kháng” (điểm b).

Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài vẫn buộc Bên mượn phải bồi thường thiệt hại cho Bên cho mượn và, để đạt được điều này, Hội đồng Trọng tài đã lập luận như sau:

Đầu tiên, như các phân tích ở trên, Bị đơn đã mượn 117 khuôn với số Code như được liệt kê tại Danh sách các khuôn đính kèm Thỏa thuận mượn khuôn. Căn cứ điều VII.B và Điều IV.6 của Thỏa thuận mượn khuôn, Bị đơn, với tư cách bên mượn, sẽ phải chịu mọi rủi ro và phải bồi thường cho Bên cho mượn, với tư cách bên cho mượn, về bất cứ tổn thất, thiệt hại, hư hỏng xảy ra với các khuôn trong suốt thời gian mượn và/hoặc bất cứ thời điểm nào mà những khuôn này nằm dưới sự chiếm hữu của Bị đơn.

Thứ hai, vụ hỏa hoạn gây hư hỏng 117 khuôn có nguyên nhân trực tiếp là do hiện tượng chập mạch hệ thống điện chiếu sáng của Bị đơn (theo như khẳng định của Viện Khoa học hình sự), việc này không được coi là sự kiện bất khả kháng. Bị đơn cũng không chứng minh được rằng Bị đơn không có lỗi trong việc khiến 117 Khuôn bị thiệt hại.

Thứ ba, theo Điều IV.2 của Thỏa thuận mượn khuôn, các bên đã đồng ý rằng Bị đơn phải đảm bảo các khuôn được bảo quản ở tình trạng tốt nhất. Hội đồng Trọng tài nhận định rằng Thỏa thuận mượn khuôn là một dạng hợp đồng mượn tài sản, vì vậy, bị điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Điều 514 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 496 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Bên mượn tài sản có các nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình” và “Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn”. Vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực nhà kho và nhà máy của Bị đơn gây thiệt hại cho 117 khuôn và không được coi là sự kiện bất khả kháng. Vì thế, Hội đồng Trọng tài quan điểm rằng Bị đơn đã vi phạm Thỏa thuận mượn khuôn khi đã không thực hiện nghĩa vụ giữ gìn và bảo quản các khuôn như tài sản của chính mình. Với hành vi vi phạm này, Nguyên đơn có quyền yêu cầu Bị đơn bồi thường cho các khuôn mà Bị đơn mượn.

Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng bên mượn tài sản phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng tài sản cho mượn nếu việc hư hỏng này không do sự kiện bất khả kháng gây ra. Việc bồi thường này đã được quy định tương đối rõ trong Bộ luật dân sự.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI